Giống như các địa phương khác trên địa bàn huyện, Đại Đồng cũng có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Hàng năm, tổng Đại Trà mở hội Đình đầu năm, hội thả diều, hội thi đốt pháo, đây là những lễ hội độc đáo của địa phương.
Lễ hội thi đốt pháo
Hội Đình có 2 phần, phần lễ và phần hội. Dân làng tổ chức hát chèo, đánh vật, tổ tôm điếm, cờ tướng... làm cho không khí ngày hội vui tươi nhộn nhịp. Trai gái phấn khởi tưng bừng trong những bộ quần áo mới đủ màu sắc.
Hội thi thả diều là hoạt động văn hoá đặc sắc của người dân địa phương vào dịp cuối tiết xuân sang hạ, là hoạt động văn hoá, phản ánh tâm tư tình cảm của con người qua tiếng sáo diều quê hương nhưng cũng khẳng định nghệ thuật tài hoa của nghệ nhân sáng tạo ra nó. Cứ vào dịp gió mùa, nhất là mùa hè, trên bầu trời Đại Đồng lại vang lên tiếng sáo diều vi vu, trầm bổng quyến rũ lòng người.
Hội thi đốt pháo là một nét độc đáo của người xưa ở Đại Đồng. Đó là tiếng pháo xung trận của Chu Xích Công cùng 10 tướng tài chỉ huy binh sĩ dẹp tan quân Chiêm Thành, ông cùng dân làng đón phần thưởng của nhà Vua và bài thơ:
“Yêu vua mà lại thương dân
Sống là danh tướng, phúc thần khi quy
Tiếng thơm công đức ai bì
Chung thần huân nghiệp tên ghi bảng vàng...”
Pháo làng Phong Cầu dự Hội thi
Ca dao, tục ngữ, truyện cổ ở Đại Đồng không nhiều, nhưng phần nào đã phản ánh được một số mặt sinh hoạt, cuộc sống của người dân nơi đây và ghi nhận cảnh đẹp của thiên nhiên ban tặng, cùng với những hoạt động của con người trong cuộc sống lao động hàng ngày lam lũ, vất vả, được thể hiện qua những câu ca dao quen thuộc:
Lạng Côn bánh đúc, bánh đa
Đức Phong muối lậu, Đại Trà củi trang
Phong Cầu đánh dậm cả làng...
Những làn điệu ca trù, hát trống quân, hát chèo, cải lương trong những ngày hội làng, cùng với những phong tục, tập quán sinh hoạt văn hoá thể hiện tình cảm mộc mạc, chân thành của người dân Đại Đồng trong cuộc sống lao động thường ngày, nay chỉ còn lưu lại trong ký ức lớp người già.
Sự cấu kết cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đã được phản ánh qua các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn Đại Đồng và còn được lưu truyền cho đến ngày nay.