Văn hóa trong các làng xã ở Đại Đồng rất phong phú và đa dạng, có sắc thái riêng của vùng, nhưng lại mang tính chất chung của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Văn hoá tinh thần được biểu hiện qua hoạt động lễ hội đình chùa, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tập tục thờ cúng tổ tiên, thần linh, thành hoàng, các vị anh hùng, những người có công xây dựng xóm làng, quê hương. Những công trình văn hoá tâm linh như: Đình, chùa, miếu ở các làng Đức Phong, Phong Cầu đã được xây dựng từ lâu đời.
Đình Phong Cầu xưa
Đình Phong Cầu là một trong những ngôi đình to đẹp trong vùng, làm theo lối nội công ngoại quốc; rường, thuận, cốn, đấu đều chạm khắc công phu với những đường nét hoa văn mềm mại, uốn lượn. Các dấu chạm nổi hình phượng, rồng, xen lẫn với hình con cua, con cá, con rùa... Thể hiện tài hoa của người thợ, tâm hồn, tình cảm của con người trong cuộc sống cộng đồng dân cư đông vui và mong muốn cuộc sống yên lành, hạnh phúc. Hai bên sân có giải vũ rồng, xung quanh sân có tường bao và cổng chính, hai hàng trụ cao trên đỉnh có hai con sấu trông khá đẹp. Đình Đức Phong và Đình Phong Cầu đều thờ chung nhị vị Thành hoàng của Tổng xưa là Chu Chu Vương Nam Đế Chu Xích Công và Phò mã Đô úy Văn Định Vương Trần Quốc Thi[1]. Đình Đức Phong nhỏ hơn, bị phá huỷ trong những ngày tiêu thổ kháng chiến năm 1947, đã được xây dựng lại năm 2012.
Đình Phong Cầu ngày nay

Đình làng Đức Phong
Chùa Đức Phong (Sùng Nha tự), hiện còn bia “Sùng Nha Tự” cho biết chùa được khởi dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 17 (1721) thời Lê Dụ Tông.
Miếu Bà là ngôi miếu nhỏ thờ một vị thánh mẫu có công với dân làng, tên tuổi, sự tích đã thất truyền từ lâu. Năm 1930, Chi bộ Việt Nam quốc dân Đảng xã đã cất giấu vũ khí và dùng Miếu làm nơi tập kết lực lượng để tiến đánh tỉnh lỵ Kiến An.
Miếu Bà
Văn hoá trong các làng xã của Đại Đồng xưa rất phong phú và đa dạng, có sắc thái riêng của vùng. Văn hoá tinh thần được biểu hiện qua hoạt động lễ hội, duy trì tập tục thờ cúng tổ tiên, thần linh, thành hoàng làng.
Hương ước các làng xưa trọng việc lễ nghĩa, khuyến khích thuần phong mỹ tục. Hương ước các làng nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với sự phát triển chung. Thiết chế văn hoá được xây dựng đồng bộ. Nhà văn hoá, đài phát thanh, bưu điện văn hoá xã hoạt động hiệu quả. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển đồng đều, tạo nên tinh thần và động lực mới cho con người, lấy lại được sự cân bằng giữa công việc và giải trí, thư giãn về tâm lí để tích cực lao động, học tập và công tác tốt hơn.
[1] .Chu Chu Vương Nam Đế được sắc phong tháng 12, Vĩnh Khánh 1730; Văn Định Vương được sắc phong tháng 11, Thành Thái, năm 1889.