Từ ngàn đời nay, trong tâm thức người dân Việt nam nói chung, người dân làng Phong Cầu nói riêng, hình ảnh “cây đa - bến nước - sân đình” đã trở thành biểu tượng của làng quê...
Từ ngàn đời nay, trong tâm thức người dân Việt nam nói chung, người dân làng Phong Cầu nói riêng, hình ảnh “cây đa - bến nước - sân đình” đã trở thành biểu tượng của làng quê, gắn bó với sự tồn vong bao đời; ngôi đình làng là nơi linh thiêng, thờ các vị thần trấn giữ bình yên cho những người con dân trong làng. Đó là tín ngưỡng để dân làng tụ họp trong những ngày lễ hội, là nơi hương khói và hội bàn những chính sách quan trọng của làng xã thời phong kiến. Đình làng là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, dù không còn mang chức năng to lớn như khi được khởi dựng trong đời sống của người dân Việt Nam xưa. Nhưng trải qua sự biến thiên, thăng trầm của Lịch sử, đình làng vẫn luôn là ngôi nhà chung của cộng đồng nơi gìn giữ, trao truyền những nét văn hoá phi vật thể của làng. Bởi vậy, dù cuộc sống có phát triển hiện đại thì mái đình cổ kính vẫn là nơi gắn kết của cộng đồng làng xã.
Trong kháng chiến chống Pháp, xã Đại Đồng nằm trong vùng địch tạm chiếm, Đình làng Phong Cầu vẫn là nơi hội họp việc làng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đình làng là một biểu tượng không thể nào quên đối với lớp lớp thanh niên làng Phong Cầu lên đường bảo vệ Tổ quốc.
“Cây đa, bến nước, sân đình
Anh đi nhớ buổi mít tinh lên đường”
Những năm 60 của thế kỷ trước, Đình làng Phong Cầu là nơi đóng quân và sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hải quân; năm 1966, 1967 đội thợ mộc của xí nghiệp cơ khí Hồng Quang làm việc; năm 1968 hiệu thuốc Bắc Hải Phòng sơ tán về bốc thuốc tại Đình; năm 1969, 1972 xí nghiệp thảm len Hàng Kênh về nhờ địa điểm dệt thảm xuất khẩu; xung quanh Đình là các trạm ra đa, tên lửa của Bộ đội Phòng không. Cũng trong thời gian này, hai phía đông tây Đình, vọng cung Đình là những lớp học sơ tán và cửa hàng HTX mua bán của xã. Khi đế quốc Mỹ ký hiệp định ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, Đình làng là nơi làm việc của chính quyền địa phương đến cuối thế kỷ XX.
“Chín năm đánh pháp đầy gian khổ
Hai mươi năm chống Mỹ gian lao
Mấy trăm năm mưa gió thét gào
Đình vẫn đứng, vươn cao trong trời đất”
Tương truyền, Đình làng Phong Cầu được xây dựng bằng gỗ từ thời Nhà Nguyễn nhưng không rõ vào Triều vua nào. Chỉ biết rằng, đó là ngôi Đình cổ, diện tích nhỏ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hội họp của làng, một phần cũng do Đình nhỏ cũng đã xuống cấp. Đến năm 1936, Nhân dân trong làng đóng góp xây dựng là trên nền đất cũ, đến năm 1939 hoàn thành với 7 gian tiền đình, 5 gian hậu cung theo lối nội cung, ngoại quốc, rường, thuận, cốn, đấu kẻ công phu, hai bên sân có dải vũ đối ứng, xung quanh có sân tường hoa và cổng chính xây hai trụ có hoa văn tinh xảo, trên đỉnh có đắp hai con sấu rất đẹp. Đến những năm 70 thế kỷ XX, 5 gian hậu cung bị hư hỏng nặng phải tháo dỡ, chỉ còn lại 7 gian tiền đình xuống cấp, chính quyền địa phương tu sửa trưng dụng làm nơi hội họp. Đến năm 1995, thấy đình làng xuống cấp, mái dột, ngói xô, gỗ mục nát, Nhân dân trong làng đề nghị chính quyền địa phương cho phép tu sửa. Thể theo nguyện vọng của Nhân dân trong làng và những người con xa quê, được sự cho phép của chính quyền địa phương. Ban khánh tiết tu tạo Đình làng vận động Nhân dân trong làng và quý khách thập phương, người con xa quê, các nhà hảo tâm đã cung tiến tiền tài, vật chất, tu sửa. Do điều kiện cơ sở vật chất, vật liệu kỹ thuật xây dựng khi đó còn nhiều hạn chế chỉ mang tính sửa chữa, khắc phục là chính.

Năm 2013, Ban vận động xây dựng Làng tiếp tục vận động Nhân dân đóng góp xây dựng lại 5 gian hậu cung trên nền móng cũ được khang trang to đẹp như hiện nay. Tất cả nhờ vào sự công đức, đóng góp của Nhân dân trong làng, ngoài xã như đợt tu sửa năm 1995. Với 7 gian tiền đình, sau gần 30 năm được tu sửa đã có hiện tượng xuống cấp như phần mái, phần tường, hệ thống hoành, xà, cột, tàu, bẩy, cốn, đấu, ngói vỡ dột nát ảnh hưởng rất lớn đến phần gỗ. Nhiều người con xa quê mỗi khi cố hương dừng chân vào Đình thắp hương đều không yên tâm. Xuân, Hạ, Thu, Đông mỗi dịp Lễ, Tết, cúng giỗ trong Đình các bậc cao niên đều lo lắng về sự xuống cấp của Đình làng. Ai cũng mong muốn có 7 gian tiền đình tương xứng với 5 gian hậu cung thuận tiện cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của dân làng.
Cuối năm 2022, sau nhiều năm mơ ước, ý tưởng tôn tạo Đình làng đã thành hiện thực. Ban vận động xây dựng Làng đã xây dựng kế hoạch trùng tu trình Uỷ ban nhân dân xã. Được chính quyền địa phương đồng ý, sự vào cuộc của cơ sở thôn đội và toàn thể Nhân dân trong làng bằng cả vật chất và tinh thần. Tâm nguyện đã được các dòng họ, các đoàn thể thôn, các nhà hảo tâm nhiệt tình hưởng ứng. Ngày 16/10/2022 (tức ngày 21 tháng 9 Nhâm Dần), đình làng được khởi công tu tạo. Tổng kinh phí đầu tư từ nguồn đóng góp của Nhân dân trong làng, ngoài làng, người con Làng Phong Cầu khắp mọi miền Tổ quốc, ở nước ngoài, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đến ngày 12/3/2023 là 2.137.000.000 đồng.

Nguyện vọng xây dựng Đình đợt này có quy mô và kỹ thuật lớn gấp nhiều lần so với những đợt trước đây, vật liệu phần mái toàn bằng gỗ sến, cánh cửa gỗ lim. Trong đó toàn bộ phần đắp vẽ trang trí Long chầu Nhật nguyệt, đôi đầu là đôi kìm ngậm bò nóc…..đảm bảo giữ nguyên được nét truyền thống và bảo tồn thuần phong mỹ tục vốn có.
Kế hoạch tu tạo đợt này chủ yếu kêu gọi vận động Nhân dân tập trung đóng góp phần mái đình. Nhưng khi tháo dỡ phần mái nhìn thấy hệ thống cột, cửa, nền Đình xập xệ nên Làng quyết tâm kêu gọi các nhà hảo tâm. Thế là 5 gian cửa gỗ, 2 gian ngoài, 2 cột hiên, bậc đá hiên, nền đình, cột đồng trụ đều là người con Làng Phong Cầu hay tin về ủng hộ. Nhờ sự linh ứng của Nhị vị thành Hoàng, trời chiều lòng người, công việc luôn thuận buồm xuôi gió. Mong muốn thay ngay 2 cột lim cửa Đình- có người ủng hộ; mong muốn lát nền- có người ủng hộ; kêu gọi ủng hộ làm cửa, người một cánh, người 2 cánh, người ba cánh, người cả bốn cánh 1 gian; mong muốn bậc tam cấp đá xanh nguyên khối- có người nhận… Đúng là cầu được ước thấy. Trong những ngày thi công có những gia đình ủng hộ gạo cho tổ thợ xây dựng; các bà, các bác lao động công đức dọn dẹp khuôn viên đình không kể sớm hôm. Có những cụ già tuổi 80, 90 là những gia đình nghèo, khó khăn vẫn ủng hộ kinh phí từ 500.000 đồng, 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đúng là:
“Dễ trăm lần, không dân cũng chịu
Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”

Khi làm một việc có ý nghĩa đi vào lòng người, hợp với ý nguyện của Nhân dân thì việc gì cũng hoàn thành. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh giá trị lịch sử văn hoá, Đình làng Phong Cầu sau hơn 3 tháng khởi công tu tạo đã được tổ chức khánh thành. Việc làm ý nghĩa này thật sự đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, hướng người dân trong làng và những người con xa quê tới việc tưởng nhớ Nhị vị Thành Hoàng, tưởng nhớ các bậc tiên tổ. Qua đó, giáo dục tinh thần nguồn cội, yêu quê hương đất nước, nâng cao ý thức bảo vệ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, của làng Phong Cầu.

ST: Phạm Bá Cường - Trưởng làng Phong Cầu